TUYÊN TRUYỀN VỀ BỆNH SỞI
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi
gây ra. Bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do
hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra từ người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ
vật mới bị nhiễm các dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Sởi có thể gặp ở mọi đối tượng chưa có miễn dịch
với bệnh nhưng thường gặp nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp,
viêm kết mạc mắt và phát ban. Sởi là bệnh lành tính
nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến
chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét
giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, phụ nữ có thai mắc sởi có thể sảy
thai, đẻ non,…
- Để
chủ động phòng chống dịch bệnh sởi, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, giảm
tỷ lệ mắc và tử vong do sởi, Trạm y tế xã Nghĩa Hưng khuyến cáo mọi người dân cần
lưu ý thực hiện tốt các nội dung sau:
1.Tiêm vắc xin phòng chống Sởi:
- Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi
cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin
sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng. Mũi 1 tiêm khi trẻ được 9
tháng tuổi, mũi 2 tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Trẻ dưới 2 tuổi được tiêm
vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã.
Trẻ trên 2 tuổi chưa tiêm vắc xin sởi cần bổ sung tiêm sớm vắc xin tại các điểm
tiêm chủng.
2.Vệ sinh phòng bệnh:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng
ngày.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ
cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng.
Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc
sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch
sởi.
3.Xử trí khi bị mắc Sởi, nghi ngờ mắc Sởi
- Cách ly người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc
sởi với người không mắc bệnh trong vòng 7 ngày kể từ ngày phát ban. Cho người
bệnh ở phòng riêng, đảm bảo thông thoáng, đồng thời thông báo ngay cho trạm y tế xã, để phối hợp xử lý, điều tra, giám sát
ca bệnh.
- Đưa người bệnh tới cơ sở y tế để được
khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý:
người nhà khi đưa người mắc Sởi hoặc nghi ngờ mắc Sởi tới khám tại các cơ sở y
tế thì cần thông báo với nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh đó để phối hợp
dự phòng lây nhiễm, tránh lây nhiễm chéo.
- Cho người bệnh ăn đầy đủ các chất dinh
dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ
đôi mắt. Uống nhiều nước (Oresol, nước lọc) đặc biệt khi bị sốt cao, tiêu chảy.
- Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể hàng
ngày sạch sẽ.
Tiêm vắc xin Sởi là biện pháp phòng bệnh
quan trọng và hiệu quả nhất.
Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin Sởi đầy đủ
và đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế./.
“Vì sức khỏe và tương lai con em chúng ta, mỗi gia đình hãy chủ động đưa
trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Tiêm Vắc xin là quyền lợi, là lá chắn an toàn cho trẻ
em trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm./.